Nội dung cơ bản Luật_Xuất_bản_2004_(Việt_Nam)

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Nội dung này quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Luật Xuất bản năm 2005.[9]

Về phạm vi, Luật quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản. Hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Nhìn chung luật vẫn điều chỉnh cả ba lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, nhưng nó điều chỉnh toàn diện lĩnh vực xuất bản, còn lĩnh vực in và phát hành chỉ điều chỉnh khi liên quan đến xuất bản phẩm.

Về đối tượng áp dụng, Luật Xuất bản áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

"Xuất bản phẩm" và tác quyền

Thuật ngữ "xuất bản phẩm" được quy định một cách cụ thể, rõ ràng và có sự phân biệt rõ với các loại hình khác không được coi là xuất bản phẩm, góp phần đảm bảo sự nhận thức thống nhất, tránh sự mâu thuẫn trong quá trình thực thi Luật. Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài và còn được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh trên các vật liệu, phương tiện kỹ thuật khác nhau.[9]

"Tài liệu" được quy định trong Luật Xuất bản bao gồm tài liệu tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn học tập, thi hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kỷ yếu hội thảo. Băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình chỉ được coi là xuất bản phẩm khi được Nhà xuất bản xuất bản hoặc có nội dung thay cho sách.[9]

Luật cũng khẳng định việc bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả. Đồng thời, Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản (Khoản 2 Điều 5 Luật Xuất bản 2004).[9] Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các hành vi bị cấm

Điều 10 Luật Xuất bản quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản là:[9]

  • Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi truỵ, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.
  • Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định.
  • Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Việc lập nhà xuất bản

Luật Xuất bản đã quy định theo hướng vừa mở rộng đối tượng được thành lập nhà xuất bản so với Luật Xuất bản năm 1993, vừa giao quyền cho Chính phủ căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành xuất bản để cho phép thành lập nhà xuất bản mà không phải sửa đổi Luật Xuất bản. Theo đó, đối tượng được thành lập nhà xuất bản là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức khác do Chính phủ quy định. Tổ chức và hoạt động của nhà xuất bản theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu.

Việc thành lập nhà xuất bản phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

  • Có tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản
  • Có người lãnh đạo nhà xuất bản và đội ngũ biên tập viên đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Xuất bản[10] Trong các chức danh lãnh đạo nhà xuất bản phải có ít nhất một người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản từ ba năm trở lên
  • Có trụ sở hoạt động, vốn và các điều kiện cần thiết khác
  • Phù hợp với quy hoạch phát triển của toàn quốc hay của từng ngành, từng địa phương.

Quyền của cơ quan nhà nước

Luật Xuất bản đã giao quyền chủ động thực hiện nhiệm vụ xuất bản cho cơ quan chủ quản, giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản. Đồng thời cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan và cá nhân đó đối với những nhiệm vụ được giao.[11]

Một điểm mới của Luật Xuất bản (sửa đổi) là quy định cụ thể tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên nhà xuất bản, vì đây là một khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng của các xuất bản phẩm. Và Biên tập viên nhà xuất bản được đứng tên trên xuất bản phẩm đồng thời có quyền khước từ biên tập những tác phẩm mà nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xuất bản.

Đăng ký xuất bản và thẩm định

Luật Xuất bản bỏ quy định về việc chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản và chấp nhận đăng ký kế hoạch nhập khẩu xuất bản phẩm. Hàng năm, nhà xuất bản và cơ sở phát hành chỉ đăng ký kế hoạch với Bộ Văn hoá - Thông tin trước khi xuất bản và nhập khẩu xuất bản phẩm.[9]

Luật Xuất bản năm 1993 quy định đối với những tác phẩm cần thẩm định nội dung khi đăng ký kế hoạch xuất bản thì nhà xuất bản và cơ quan chủ quản nhà xuất bản phải có nhận xét, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản có thẩm quyền tổ chức thẩm định và tổ chức xuất bản, tái bản. Nhưng Luật xuất bản năm 2005 giao việc thẩm định những tác phẩm cần thẩm định cho nhà xuất bản. Luật cũng quy định những tác phẩm nếu nội dung có dấu hiệu vi phạm những hành vi bị cấm thì nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định trước khi đăng ký kế hoạch xuất bản, bao gồm:[9]

  • Tác phẩm xuất bản trước Cách mạng tháng 8 năm 1945
  • Tác phẩm xuất bản từ năm 1945 đến năm 1954 trong vùng bị tạm chiếm
  • Tác phẩm xuất bản từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở miền Nam Việt Nam không do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cho phép
  • Tác phẩm xuất bản ở nước ngoài.

Về xuất bản trên mạng

Luật Xuất bản 2004 quy định việc xuất bản trên mạng thông tin máy tính phải do nhà xuất bản thực hiện và phải tuân theo quy định của Luật Xuất bản. Chỉ những xuất bản phẩm lưu hành hợp pháp mới được đưa lên mạng thông tin máy tính. Việc đưa xuất bản phẩm lên mạng thông tin máy tính được thực hiện theo quy định của Chính phủ.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Luật_Xuất_bản_2004_(Việt_Nam) http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://xaydungphapluat.chinhphu.vn/portal/page/por... http://nld.com.vn/54637p0c1020/rat-can-dua-vao-lua... http://nld.com.vn/74242p0c1002/quyen-tac-gia-se-du... http://vietlaw.gov.vn/LAWNET/docView.do?docid=1760... http://www.sggp.org.vn/thoisu/nam2004/thang7/10991... http://www.tienphong.vn/Luu-Tru-Tin-Tuc/cong-bo-lu... http://tuoitre.vn/Pages/Printview.aspx?ArticleID=3... http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/62710/2005-Trie... http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su...